Một trong những chấn thương gối phổ biến nhất là chấn thương dây chằng chéo trước (ACL), có thể là bong gân hoặc đứt. Những vận động viên chơi những bộ môn như bóng đá hoặc bóng rổ sẽ có nguy cơ bị chấn thương dây chằng chéo trước cao hơn bình thường. Nếu như không may bị chấn thương dây chằng chéo trước, vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, bác sĩ có thể chỉ định điều trị phẫu thuật để đầu gối có thể phục hồi chức năng.
Tổn thương dây chằng chéo trước gối là gì?
Một nửa số chấn thương dây chằng chéo trước (ACL) xảy ra kèm theo tổn thương các cấu trúc khác trong đầu gối, chẳng hạn như sụn khớp, sụn chêm hoặc các dây chằng khác.
Có thể chia ra 3 mức độ của chấn thương dây chằng chéo trước như sau:
Mức độ 1: Tình trạng dây chằng bị tổn thương nhẹ. Dây chằng bị kéo giãn nhẹ nhưng vẫn có thể giúp giữ cho khớp gối ổn định.
Mức độ 2: Tình trạng dây chằng bị kéo giãn đến mức trở nên lỏng lẻo, thường được gọi là rách một phần dây chằng.
Mức độ 3: Tình trạng dây chằng bị đứt hoàn toàn. Dây chằng bị đứt làm đôi hoặc bị kéo rời khỏi xương, và khớp gối trở nên không ổn định.
Tình trạng rách một phần của dây chằng chéo trước rất hiếm; hầu hết các chấn thương ACL đều là rách hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn.
Những ai có thể bị đứt dây chằng chéo trước gối?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ chấn thương dây chằng chéo trước (ACL), bao gồm:
- Giới tính nữ: Có thể do sự khác biệt về giải phẫu, sức mạnh cơ bắp và ảnh hưởng của hormone.
- Tham gia các môn thể thao: Những môn như bóng đá, bóng bầu dục, bóng rổ, thể dục dụng cụ và trượt tuyết có nguy cơ cao gây chấn thương ACL.
- Tình trạng thể chất kém: Không có sự chuẩn bị thể lực đầy đủ có thể làm tăng nguy cơ chấn thương.
- Sử dụng các động tác sai kỹ thuật: Ví dụ như việc đưa đầu gối vào trong khi thực hiện động tác squat cũng làm chấn thương dây chằng chéo trước gối.
- Mang giày không phù hợp: Việc sử dụng giày không vừa vặn có thể ảnh hưởng đến động tác và dẫn đến chấn thương.
- Sử dụng thiết bị thể thao không được bảo dưỡng đúng cách: Như việc sử dụng các dụng cụ trượt tuyết không được điều chỉnh đúng cách.
- Chơi trên sân cỏ nhân tạo: Loại sân này có thể làm tăng nguy cơ chấn thương ACL do tính chất bề mặt của nó.
Nguyên nhân dẫn đến tổn thương dây chằng chéo trước gối
Dây chằng chéo trước (ACL) có thể bị chấn thương theo nhiều cách:
- Thay đổi hướng đột ngột
- Dừng lại đột ngột
- Giảm tốc độ khi đang chạy
- Tiếp đất sai kỹ thuật sau khi nhảy
- Tiếp xúc trực tiếp hoặc va chạm, chẳng hạn như những trường hợp đối kháng, cản phá trong bóng đá.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các vận động viên nữ có tỷ lệ chấn thương ACL cao hơn so với nam giới trong một số môn thể thao. Nguyên nhân là do sự khác biệt về điều kiện thể chất, sức mạnh cơ bắp và khả năng kiểm soát thần kinh cơ. Các nguyên nhân khác bao gồm sự khác biệt về cấu trúc xương chậu và chân, sự lỏng lẻo trong các dây chằng, và tác động của estrogen lên tính chất của dây chằng.
Triệu chứng tổn thương dây chằng chéo trước gối
Khi bạn bị chấn thương dây chằng chéo trước (ACL), bạn có thể nghe thấy tiếng “rắc” và cảm giác đầu gối của mình bị trật. Các triệu chứng điển hình khác bao gồm:
- Đau kèm sưng: Trong vòng 24 giờ, đầu gối của bạn sẽ bị sưng và đau, điều này nếu nghỉ ngơi hợp lý chấn thương sẽ tự hết. Tuy nhiên, nếu cố gắng trở lại chơi thể thao hoặc vận động mạnh khi chấn thương chưa hồi phục, đầu gối có thể sẽ không ổn định, và có nguy cơ gây thêm tổn thương cho sụn chêm của đầu gối.
- Mất khả năng vận động toàn bộ: Khả năng di chuyển đầu gối của bạn sẽ bị hạn chế.
- Đau khi chạm vào đường viền khớp: Khu vực xung quanh khớp sẽ rất nhạy cảm.
- Khó chịu khi đi bộ: Bạn có thể cảm thấy không thoải mái hoặc đau khi đi bộ.
Biến chứng tổn thương dây chằng chéo trước gối
Những người trải qua chấn thương dây chằng chéo trước gối (ACL) có nguy cơ cao phát triển bệnh viêm xương khớp ở đầu gối. Viêm xương khớp có thể xảy ra ngay cả khi đã phẫu thuật tái tạo dây chằng. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc viêm khớp, bao gồm mức độ nghiêm trọng của chấn thương ban đầu, tác động từ các chấn thương khác ở gối hoặc cường độ luyện tập trong quá trình phục hồi.
Chẩn đoán chính xác
Khám lâm sàng và hỏi bệnh sử
- Trao đổi về triệu chứng và hỏi bệnh sử: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng mà bạn đang gặp phải và tìm hiểu về các chấn thương hoặc vấn đề liên quan trước đó.
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra đầu gối bị chấn thương. Hầu hết các chấn thương dây chằng có thể được chẩn đoán thông qua việc khám lâm sàng.
Các xét nghiệm hình ảnh
Các xét nghiệm khác có thể giúp bác sĩ xác nhận chẩn đoán bao gồm:
- X-quang: Mặc dù X-quang không cho thấy tổn thương ở dây chằng chéo trước, nhưng phương án này giúp loại trừ được khả năng bị gãy xương.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI tạo ra hình ảnh rõ ràng hơn so với X-quang về mức độ tổn thương của dây chằng chéo trước cùng với các dấu hiệu tổn thương mô khác ở đầu gối, như là sụn và gân.
Điều trị chấn thương dây chằng chéo trước
Điều trị không phẫu thuật:
- Điều trị không phẫu thuật thích hợp cho các chấn thương cấp độ 1. Bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp cố định hoặc dùng nẹp, vật lý trị liệu, giúp bệnh nhân dần dần trở lại các hoạt động và tập luyện thể thao bình thường.
Điều trị phẫu thuật:
- Điều trị phẫu thuật được khuyến cáo cho những người bị rách hoàn toàn dây chằng chéo trước hoặc chấn thương cấp độ 3, phẫu thuật tái tạo dây chằng khớp gối là lựa chọn tốt nhất. Sau phẫu thuật, nếu kết hợp các bài tập vật lý trị liệu cùng các phương pháp phục hồi chức năng khác theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể chơi thể thao trở lại sau 12 tháng.
Phòng ngừa chấn thương dây chằng chéo trước
Sử dụng kỹ thuật đúng khi chơi thể thao hoặc tập luyện
Để giảm thiểu nguy cơ chấn thương dây chằng chéo trước (ACL), việc sử dụng kỹ thuật đúng trong thể thao và tập luyện là rất quan trọng.
Cần lưu ý khởi động trước khi tập luyện, chơi thể thao để hạn chế nguy cơ chấn thương nói chung và đứt dây chằng chéo trước nói riêng.
Sử dụng đai bảo vệ đầu gối
Sử dụng đai bảo vệ đầu gối khi tham gia thể thao có thể giảm chấn thương đầu gối. Và hơn hết cần tham khảo tư vấn của bác sĩ y học thể thao, nhà vật lý trị liệu hoặc huấn luyện viên thể thao để được hướng dẫn các bài tập phù hợp, giúp hạn chế chấn thương.