Đau đầu gối là một tình trạng thường gặp ở người trưởng thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các vận động viên chạy bộ hoặc chơi các môn thể thao liên quan đến nhảy hoặc xoay người nhanh cũng dễ gặp phải các vấn đề về đầu gối nhiều hơn. Nhưng dù đau đầu gối do lão hóa hay chấn thương thì tình trạng này gây ra khó chịu và thậm chí làm suy nhược khớp gối cho người bệnh.
Đau đầu gối là gì?
Đầu gối là một khớp lớn nhất trong cơ thể và có cấu tạo phức tạp, có chức năng hỗ trợ rất nhiều khi di chuyển. Đau đầu gối là một cơn đau hoặc bất cứ sự khó chịu mà người bệnh cảm nhận đau xung quanh khớp gối, cho thấy có sự tổn thương bên trong và xung quanh khớp gối, từ các mô mềm, dây chằng, túi hoạt dịch, gân. Đau đầu gối mức độ nhẹ có thể áp dụng các biện pháp tự chăm sóc. Tuy nhiên nếu tình trạng nặng có thể cần điều trị phẫu thuật, tùy vào từng trường hợp.
Đối tượng nào dễ bị đau đầu gối
Một số yếu tố có thể tăng nguy cơ gặp vấn đề về đầu gối như:
- Thừa cân: Thừa cân hoặc béo phì làm tăng áp lực lên các khớp gối, ngay cả trong các hoạt động bình thường như đi bộ hoặc lên xuống cầu thang. Điều này cũng làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp bằng cách đẩy nhanh sự phá hủy của sụn khớp.
- Thiếu sự linh hoạt hoặc sức mạnh cơ bắp: Thiếu sức mạnh và linh hoạt có thể tăng nguy cơ chấn thương đầu gối. Cơ bắp mạnh mẽ giúp ổn định và bảo vệ khớp tốt hơn.
- Một số môn thể thao hoặc nghề nghiệp nhất định: Một số môn thể thao gây áp lực lớn hơn lên đầu gối so với những môn khác. Các cú nhảy và xoay người của bóng rổ, và áp lực lặp đi lặp lại lên đầu gối khi bạn chạy bộ hoặc chạy đều tăng nguy cơ chấn thương đầu gối. Các công việc đòi hỏi áp lực lặp đi lặp lại lên đầu gối như xây dựng hoặc làm nông cũng có thể làm gia tăng nguy cơ này.
- Chấn thương trước đây: Những ai đã từng bị chấn thương đầu gối có nguy cơ bị chấn thương sau này.
Nguyên nhân gây đau đầu gối
Hoạt động thể chất quá mức
Các hoạt động thể chất, tập thể dục, chơi thể thao và làm việc nặng đều có thể gây căng thẳng cho khớp gối của bạn. Thực hiện các động tác lặp đi lặp lại (như nhảy nhiều hoặc làm việc trên tay và đầu gối) có thể gây đau đầu gối.
Đau đầu gối là một triệu chứng của các vấn đề sau:
- Đau xương bánh chè (PFPS hoặc đau gối của vận động viên chạy).
- Bệnh Osgood-Schlatter gây đau sưng bên dưới đầu gối – thường xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên, có thể do tập thể dục quá sức.
- Viêm gân (đặc biệt là viêm gân bánh chè), những người chạy bộ, tham gia các hoạt động thể thao yêu cầu động tác nhảy có nguy cơ viêm gân bánh chè cao hơn.
- Viêm bao hoạt dịch (đặc biệt là viêm bao hoạt dịch trước gối). Khi gối hoạt động quá mức có thể dẫn đến tình trạng gây viêm bao hoạt dịch, gây đau đầu gối dữ dội.
Viêm khớp
Viêm khớp gây đau ở các khớp. Viêm khớp đầu gối khá là phổ biến, tình trạng này gây ra các triệu chứng như đau, sưng và cứng khớp. Một số loại viêm khớp có thể gây đau đầu gối, bao gồm:
- Thoái hóa khớp
- Viêm khớp dạng thấp
- Viêm khớp sau chấn thương
Chấn thương
Bất kỳ chấn thương nào làm tổn thương khớp gối đều có thể gây đau. Chấn thương đầu gối có thể bao gồm:
- Chấn thương lặp đi lặp lại
- Chấn thương thể thao
- Chấn thương như ngã hoặc tai nạn xe
Một số chấn thương phổ biến nhất gây đau đầu gối bao gồm:
- Bong gân đầu gối
- Đầu gối bị căng quá mức
- Rách dây chằng đầu gối (chấn thương ảnh hưởng đến ACL, PCL, MCL hoặc LCL)
- Rách sụn chêm
- Gãy xương (xương bị gãy)
- Trật khớp
Triệu chứng đau đầu gối
Vị trí và mức độ của cơn đau đầu gối có thể khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra vấn đề. Các dấu hiệu và triệu chứng thường kèm theo đau đầu gối bao gồm:
- Sưng và cứng khớp
- Đỏ và ấm khi chạm vào
- Yếu hoặc mất ổn định
- Tiếng răng rắc khi cử động khớp gối
- Không thể duỗi thẳng hoàn toàn đầu gối
Biến chứng đau đầu gối
Không phải tất cả các cơn đau đầu gối đều nghiêm trọng. Nhưng một số chấn thương đầu gối chẳng hạn như thoái hóa khớp, có thể làm cơn đau gia tăng, tổn thương khớp và tàn tật nếu không được điều trị. Và việc bị chấn thương đầu gối – thậm chí là một chấn thương nhẹ – làm tăng khả năng gặp phải các chấn thương tương tự trong tương lai.
Chẩn đoán đau khớp gối như thế nào?
X-quang: Phát hiện gãy xương và bệnh thoái hóa khớp.
Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hiển thị các chấn thương mô mềm như dây chằng, gân, sụn và cơ.
Chụp cắt lớp vi tính (CT hoặc CAT scan): Xác định tổn thương hoặc bệnh lý trong các dây chằng hoặc cơ xung quanh. CT scan chi tiết hơn so với X-quang thông thường.
Nội soi khớp
Là một quy trình chẩn đoán và điều trị xâm lấn tối thiểu được sử dụng cho các tình trạng của khớp. Quy trình này sử dụng một ống nhỏ có đèn chiếu sáng và ống quang học (ống nội soi khớp), đi qua vết rạch nhỏ trên da (cổng nội soi). Hình ảnh bên trong khớp được chiếu lên màn hình; được sử dụng để đánh giá bất kỳ thay đổi thoái hóa hoặc viêm khớp nào trong khớp; để phát hiện bệnh xương và khối u; để xác định nguyên nhân gây đau và viêm xương.
Điều trị đau khớp gối
Phương pháp RICE cho đau đầu gối
Bạn thường có thể điều trị đau đầu gối tại nhà bằng phương pháp RICE:
- Rest (Nghỉ ngơi): Ngừng hoạt động thể chất gây ra cơn đau để tránh làm tình trạng chấn thương trở nên tồi tệ hơn.
- Ice (Chườm đá): Chườm túi đá hoặc nén lạnh trong 15 đến 20 phút mỗi giờ trong ngày đầu tiên sau chấn thương. Sau một ngày, bạn có thể chườm đá mỗi 3 đến 4 giờ. Đừng chườm đá trực tiếp lên da (quấn túi đá trong khăn hoặc vải).
- Compression (Băng ép): Băng gối giúp giảm lưu lượng máu đến đầu gối bị thương và giảm sưng. Áp dụng quấn băng ép hoặc quấn quanh đầu gối.
- Elevation (Kê cao vị trí chấn thương) Bạn có thể kê đầu gối bằng gối, chăn hoặc đệm.
Thuốc giảm đau đầu gối
Hầu hết mọi người có thể dùng NSAID không kê đơn (ibuprofen, aspirin và naproxen) hoặc acetaminophen (Tylenol®). Lưu ý không dùng những loại thuốc này trong hơn 10 ngày liên tiếp mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc nếu bị bệnh thận hoặc gan.
Nẹp đầu gối
Nẹp đầu gối hỗ trợ và giữ cho đầu gối thẳng hàng. Vật liệu nẹp thường được làm bằng nhựa cứng hoặc kim loại với đệm và dây đeo quấn quanh đầu gối và chân. Chuyên gia y tế sẽ cho bạn biết loại nẹp nào cần sử dụng và tần suất nên đeo.
Vật lý trị liệu
Chuyên gia y tế có thể đề xuất vật lý trị liệu nếu bạn bị viêm khớp hoặc đang phục hồi sau chấn thương. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn các bài tập kéo giãn và tập thể dục giúp tăng cường các cơ xung quanh đầu gối bị ảnh hưởng. Điều này sẽ cải thiện sự ổn định khớp gối và giúp giảm đau hiệu quả.
Tiêm thuốc
Thuốc corticoid: Giúp giảm các triệu chứng viêm khớp
Axit hyaluronic: Giúp cải thiện khả năng vận động và giảm đau
Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): Có tác dụng giảm viêm và thúc đẩy quá trình chữa lành
Phẫu thuật đầu gối
Nội soi khớp gối: Là loại phẫu thuật đầu gối phổ biến nhất. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo ra một vài vết cắt nhỏ trên da xung quanh đầu gối của bệnh nhân, sau đó đưa một công cụ đặc biệt gọi là sau đó đưa ống nội soi vào bên trong khớp gối để quan sát chi tiết tổn thương, sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật sửa chữa những vị trí tổn thương.
Phẫu thuật thay khớp: Bác sĩ phẫu thuật sẽ thay thế khớp gối bằng một bộ phận nhân tạo, nếu cơn đau và các triệu chứng khác ở đầu gối ảnh hưởng đến khả năng đứng, đi bộ và di chuyển. Bác sĩ phẫu thuật sẽ đề xuất thay khớp gối toàn phần hoặc bán phần tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau và phần nào của đầu gối bị tổn thương.
Phòng ngừa đau khớp gối
- Giữ cân nặng ở mức hợp lý: Duy trì cân nặng hợp lý là một trong những điều tốt nhất để phòng ngừa đau khớp gối. Cân nặng dư thừa làm gây thêm áp lực lên các khớp tăng nguy cơ chấn thương và thoái hóa khớp.
- Luyện tập đúng cách: Hãy đảm bảo kỹ thuật và các động tác bạn sử dụng trong thể thao hoặc hoạt động của mình hợp lý, tránh va chạm mạnh và khởi động trước khi tập luyện.
- Thực hiện các bài tập giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp: Cơ bắp yếu là nguyên nhân chính gây chấn thương đầu gối. Tập luyện thăng bằng giúp các cơ quanh đầu gối làm việc hiệu quả hơn. Đồng thời thực hiện các bài tập giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, sự dẻo dai như aerobic, bơi lội, đạp xe…
Trong trong trường hợp bị thoái hóa khớp, đau đầu gối mãn tính hoặc chấn thương tái phát, bạn có thể cần thay đổi cách tập luyện. Hãy cân nhắc chuyển sang các bộ môn nhẹ nhàng như bơi lội, aerobic hoặc các hoạt động ít tác động khác – ít nhất là trong vài ngày mỗi tuần. Đôi khi, cần hạn chế các hoạt động tác động mạnh cũng sẽ mang lại sự hiệu quả, để bảo vệ khớp gối của bạn.